Bạn đang xem bài viết Những Vần Thơ Viết Về Đảng, Bác Hồ Và Mùa Xuân được cập nhật mới nhất tháng 12 năm 2023 trên website Dtdecopark.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
Những vần thơ viết về Đảng, Bác Hồ và mùa XuânĐảng ta do Bác Hồ sáng lập. Đảng ra đời vào mùa xuân (3-2-1930). Mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, mùa xuân của nhân dân, mùa xuân của Đảng hòa làm một khiến niềm vui, niềm hạnh phúc như được nhân lên bất tận.
Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa). Ảnh: Hà Hiền
Như một lẽ tự nhiên, hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về là cả dân tộc Việt Nam lại hân hoan, tưng bừng đón chào năm mới, chào mừng kỷ niệm Hgày thành lập Đảng quang vinh. Trong thời khắc giao hòa đó, Bác Hồ – tên Người là cả một niềm thơ – luôn vang lên trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Đảng, Bác Hồ và mùa xuân đã trở thành đề tài, thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, nhạc, họa,… Đọc những vần thơ viết về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, về mùa xuân trong thời khắc này khiến chúng ta vô cùng bồi hồi, xúc động.
Đảng là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thật ý nghĩa, là sự lựa chọn mang tính quy luật, tính lịch sử, để rồi từ đó “ý Đảng, lòng dân” trở thành vũ khí “bách chiến bách thắng”, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lý tưởng sáng ngời “không có gì quý hơn độc lập tự do”, đem lại mùa xuân bất tận cho dân tộc.
Kể từ mùa xuân ấy, hơn mười năm sau – xuân năm 1941, Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Giữa một vùng núi non trùng điệp với muôn hoa xuân đua sắc và lòng người rưng rưng, lắng đọng trong giờ phút Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên trở về đất mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó – Cao Bằng) đã trở thành cảm hứng cho sự ra đời bài thơ Mùa Xuân năm 1941 của nhà thơ Tố Hữu như báo hiệu một tương lai xán lạn của dân tộc Việt Nam đang sắp đến gần:
Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về, im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, một Đảng mới 15 tuổi đã cùng nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa giành lại nền độc lập, tự do, đưa đất nước thoát khỏi “đêm trường nô lệ”, khai sinh một nước Việt Nam mới – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một lẽ tự nhiên như cơm ăn, nước uống, khí trời, Tố Hữu – nhà thơ trữ tình – chính trị, nhà thơ của lý tưởng cộng sản – lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam trở thành một trong những người viết nhiều nhất và hay nhất về Đảng, Bác và mùa xuân.
Tập thơ đầu tay của Tố Hữu (Từ ấy) là tiếng hát trong trẻo, phấn chấn, say mê của người thanh niên cộng sản khi mới bắt gặp lý tưởng cách mạng, trong đó bài thơ Từ ấy được viết vào năm 1938, đó là thời điểm Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Nó là một mốc son đánh dấu sự chuyển biến trong cuộc đời, trong thơ Tố Hữu. Như chính nhà thơ đã từng viết “Từ ấy là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám đôi mươi, đi theo lý tưởng cao đẹp dám sống, dám đấu tranh”:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Trong bài thơ Một nhành xuân, Tố Hữu cũng từng viết: “… Năm hai mươi của thế kỷ hai mươi/ Tôi sinh ra nhưng chưa được làm người/… Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời/ Đất lai láng những là nước mắt… Từ vô vọng mênh mông đêm tối,/ Người đã đến chói chang nắng dội,/ Trong lòng tôi ôi Đảng thân yêu…”.
Trong rất nhiều những bài thơ viết về Đảng làm lay động lòng người của Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng có lẽ là bài thơ được nhắc đến nhiều nhất. Đảng là niềm tin, là sức mạnh. Đảng đấu tranh vì lợi quyền dân tộc, mang hạnh phúc, ấm no cho mỗi con người: “Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta, Mác – Lê-nin vĩ đại/ Lại hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người”. Sức mạnh của Đảng và sự bền vững của chế độ bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân, của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng; đồng thời là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hữu cơ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dù trong hoàn cảnh nào, khi đã có niềm tin thì người dân luôn theo Đảng, bảo vệ Đảng đến cùng: “Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo giặc tra/ Cắn răng thà chết không xa Đảng mình”. Đảng và Bác luôn không tách rời. Tố Hữu viết về Đảng là viết về lý tưởng, lẽ sống mà Bác Hồ chính là người đem đến lẽ sống, lý tưởng ấy. Không những thế, với Tố Hữu cũng như với toàn thể con dân Việt Nam, Bác còn là “cha”, là “Bác”, là “anh”, là “mẹ hiền”,… Tiêu biểu nhất cho những vần thơ viết về Bác của Tố Hữu là ba bài: Sáng tháng năm, Bác ơi!, Theo chân Bác. Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh/ Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!…/ Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà/… Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ… (Theo chân Bác). Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người (Bác ơi!). Còn những ai chưa được một lần/ Trong đời, gặp Bác! Hãy nhanh chân/ Tiến lên phía trước! Trên cao ấy/ Bác vẫn đưa tay đón lại gần…. (Theo chân Bác).
Năm mươi năm học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh! Cùng nhau đọc lại những vần thơ Tố Hữu viết về Bác giữa lúc mùa xuân đang đến gần, lòng bỗng thấy rưng rưng xúc động bồi hồi…
Cùng với Tố Hữu, nhà thơ Chế Lan Viên cũng viết rất nhiều và rất hay về Đảng, Bác Hồ. Với bài thơ Người đi tìm hình của nước, Chế Lan Viên đã cho chúng ta thấy rõ hình ảnh của Bác Hồ, của Đảng, của dân tộc như hòa quyện vào một:
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin…
… Hình của Đảng lồng trong hình của nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười…
Trước cách mạng, Chế Lan Viên được coi là một trong những nhà thơ lãng mạn nổi tiếng. Với Điêu tàn, có người còn nhầm tưởng ông là hậu duệ của Chế Bồng Nga khóc thương cho sự đổ nát của thành Đồ Bàn. Sau cách mạng, nhà thơ đi theo Đảng và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản. Niềm tự hào và xúc động trong ông đã dâng tràn trong một tâm trạng khó tả:
Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác
Những vật vô tri cũng rưng rưng nước mắt…
Có lẽ không chỉ riêng nhà thơ, mà ai cũng vậy, khi được kết nạp vào Đảng ai cũng đều có một cảm giác thiêng liêng và diệu kỳ nên phút giây tuyên thệ dưới lá cờ búa liềm công – nông, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh cũng là lúc những cảm xúc ngọt ngào trào tuôn thật đặc biệt:
Tôi đứng dưới cờ đưa tay tuyên thệ
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu
Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau”…
Đã là người của Đảng thì ai cũng có điều kiện để suy nghĩ sâu sắc hơn về Đảng của mình và thấy hết sự vĩ đại của Đảng ta là đạo đức, là văn minh, để thêm tin, yêu Đảng.
Ngoài Tố Hữu và Chế Lan Viên, nhiều nhà thơ cũng đã viết về Đảng, Bác Hồ với tất cả tình cảm chân thành và thắm thiết.
Nhà thơ Phạm Hổ, một cây bút nổi tiếng chuyên viết cho thiếu nhi đã có những cảm nhận về Đảng thật tươi mới và xán lạn: … Ôi Đảng chúng ta là mùa xuân tuyệt đẹp/ Ngày một thêm xuân không bao giờ hết/ Với địch, Đảng có chiếc nỏ thần An Dương Vương xưa/ Nhưng Đảng không để mất bao giờ/ Là ông Bụt hiện lên trong Tấm Cám/ Đảng cho người nghèo đôi hài thêu đi lên vui sướng/ Theo Đảng nhìn trời, không chỉ thấy sao/ Thấy những ánh đèn nhà cửa mai sau/ Góp một ngọn hải đăng trên biển cả loài người/ Đảng góp đường đi và nhận đường đi khắp các chân trời. (Dọc đường theo Đảng).
Lê Đức Thọ là một chiến sĩ cách mạng yêu thơ và làm nhiều thơ ngay từ khi còn bị giam cầm trong nhà tù đế quốc. Khi nghe tin con được kết nạp vào Đảng, ông xúc động khi nghĩ đến con, người đồng chí cùng chung lý tưởng chiến đấu: Đảng đã cho con cả cuộc đời/ Cả mùa xuân thắm rộn vui tươi/ Chắp cho đôi cánh thần tiên đó/ Con hãy bay đi tận cuối trời.
Với Xuân Diệu viết về Đảng là niềm tự hào, là lòng biết ơn và một tình thương thấm thía: Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình/ Người rất mực xa xanh và đỏ thắm/ Người gần gũi và bao la vạn dặm/ Người một người và ức triệu con người (Gánh). Trong những câu thơ say đắm này là của Xuân Diệu, chúng ta dễ dàng nhận ra cái giọng nồng nhiệt của một ông Hoàng thơ tình.
Nói đến Lưu Trọng Lư, người đọc thường nghĩ và nhớ đến hình ảnh một con nai vàng ngơ ngác, cái ngơ ngác của người thi sĩ giữa ngã ba đường của cuộc đời cũ. Thì nay, trên mỗi “nước bước”, “đường đi” không thể không có ánh sáng Đảng soi đường: Trên mỗi bước đi, lòng luôn tự hỏi:/ “Nếu trong ta vắng bóng một ngày”/ Nếu trong ta, vắng Người mãi mãi/ Đi từ đâu, ta sẽ lại về đâu? (Bước theo Đảng).
Thơ Lê Anh Xuân luôn say sưa ca ngợi những con người đã dâng trọn đời mình cho lý tưởng của Đảng. Nhất là anh say sưa ca ngợi Bác, thơ Lê Anh Xuân rất nhiều lần nói đến Bác, lần nào cũng với một niềm tin tưởng, một niềm kính yêu vô hạn: Miền Nam đọc thư Bác/ Sông Hiền Lương bồi hồi/ Trời Cà Mau giàn giụa nước mắt vui (Chúng con đón thư Bác); Ôi ba tiếng Hồ Chí Minh/ Đã thành vũ khí đã thành niềm tin/ Đã thành lời hứa thiêng liêng/ Lửa thiêu chẳng cháy đá nghiền chẳng tan (Nguyễn Văn Trỗi).
Mùa xuân về, cùng nhau ôn lại những vần thơ viết về Đảng, Bác Hồ và mùa xuân, chúng ta không thể không nhớ đến những vần thơ của Bác viết trong mỗi độ tết đến, xuân về. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng năm nào Bác cũng dành cho đồng bào và chiến sĩ cả nước những vần thơ chúc tết thắm thiết ân tình, có tác dụng cổ vũ và hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng xây dựng non sông, kiên cường đấu tranh thống nhất đất nước. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, sức khỏe của Bác giảm sút rất nhiều và chỉ sau tết mấy tháng là Bác vĩnh biệt chúng ta. Vậy mà… Người “Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa” (Tố Hữu), bài thơ năm ấy không ngờ là bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
Nhớ Bác! Nhớ những vần thơ của Bác! Học tập và làm theo những lời căn dặn trong Di chúc của Người! Nửa thế kỷ qua đi, nhưng lúc nào Bác cũng ở trong tim mỗi người dân nước Việt, nhất là mỗi độ tết đến, xuân về.
Từ mùa xuân Bác Hồ khai sinh ra Đảng ta đến nay, các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thường được tổ chức vào những mùa xuân. Sau mỗi kỳ đại hội, Đảng ta lại đem đến cho đất nước những mùa xuân ấm áp, sinh chồi nảy lộc.
Một mùa xuân mới đang về. Với bản lĩnh chính trị được rèn luyện qua 90 năm, với sức sáng tạo luôn tươi mới như “chồi non, lộc biếc”, chúng ta tin tưởng rằng Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước vượt qua thử thách, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang.
Th.sĩ Lê Hồng Chính
Những Vần Thơ Về Đảng
Những vần thơ về Đảng
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
(Từ ấy)
Trước hết đó là những vần thơ reo vui của những con người được ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường. Đó cũng là niềm vui chung của mọi người Cộng sản trên thế giới. Nhà thơ Pháp Luis Aragon đã viết dòng thơ nói thay nỗi niềm của hàng triệu con người: “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”. Nhà thơ Nga Xô viết Maiacovsky từng phát biểu: “Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi trẻ của thế giới”. Với cách thể hiện độc đáo, ông đã nói lên ý nghĩa khai sáng của chủ nghĩa Mác:
Chúng tôi mở Mác
mỗi tập, mỗi chương
Như ở nhà riêng
mở toang cửa sổ
(Lớn tiếng)
Thơ ca xã hội chủ nghĩa là một hiện tượng có tính chất thế giới và thơ ca ngợi lý tưởng, ca ngợi Đảng của các nhà thơ Việt Nam hòa điệu trong dàn đồng ca vĩ đại đó.
Song đi sâu vào thực tiễn sáng tác, thơ về Đảng ở Việt Nam mang bản sắc riêng do hoàn cảnh và lịch sử đất nước, hoàn cảnh lịch sử của phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam và đặc điểm tâm hồn Việt Nam.
Nói đến thơ lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa không thể quên mảng “thơ trong tù” của thế hệ tiền phong mà đặc điểm nổi bật nhất là sự kiên trì giữ vững phẩm chất cách mạng và niềm lạc quan tin tưởng ở tương lai. “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh là ví dụ sáng chói nhất. Bệnh tật, đói khát, đày ải của nhà tù Tưởng Giới Thạch chỉ làm sáng ngời thêm phẩm chất của người chiến sĩ Cộng sản Việt Nam. Từ bóng tối nhà tù, Tổ quốc Việt Nam đã tượng hình trong tâm hồn, trí tuệ của Người:
Một canh, hai canh lại ba canh
Trằn trọc năm canh giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
(Không ngủ được)
Bài thơ tuyệt mệnh của Hoàng Văn Thụ nói thay cho biết bao chiến sĩ cách mạng khác đã hy sinh cho Đảng, cho Tổ quốc:
Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu
Trước sau xin giữ tấm lòng thành.
Với những con người khổng lồ về ý chí như vậy không bạo lực nào, kẻ thù nào có thể đè bẹp nổi. Đó cũng là nội dung tiếng thơ của nhiều nhà cách mạng vô sản khác. Nó tiếp tục truyền thống quật cường của những người Việt Nam bị áp bức “Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán / Phá vòng vây bạn với kim ô” (Nguyễn Hữu Cầu) thời Trung đại, tiếp tục truyền thống thơ tù của các chiến sĩ cách mạng thế hệ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… nhưng không bi tráng mà tươi sáng một tinh thần lạc quan do tin tưởng sắt đá ở tương lai tất thắng của cách mạng vô sản.
Trải qua những hy sinh phấn đấu, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh Pháp, đuổi Nhật, lật đổ ngai vàng phong kiến và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thu giang sơn về một mối. Nền thơ Việt Nam đã hình thành một đội ngũ tác giả tài năng gồm nhiều thế thệ. Lòng biết ơn Đảng là nỗi niềm chung của nhiều người nhưng đặc biệt sâu sắc ở những thi sĩ tài danh của Phong trào Thơ mới (1932-1945). Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những dòng thơ tâm huyết trong bài “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Sau này nhà thơ còn có dịp bộc bạch tâm trạng qua nhiều bài thơ khác với tứ thơ đối lập hai nhân sinh quan: Cá nhân chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa:
Tôi đến Nha Trang ngắm trời biển đẹp
Có hay đâu hang Pác Bó Bác về
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Manh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.
Nghĩ về Đảng, Xuân Diệu nghĩ về sự toan lo từ việc lớn là giải phóng đất nước, dân tộc đến chuyện nhỏ là đời sống của mỗi người dân. Trong bài thơ “Gánh”, Đảng đã được nhân hóa thành người khổng lồ đầy toan lo và trách nhiệm:
Không phải chuyện đời xưa mà chuyện đời nay
Có một người chất vạn gánh trên vai
Vạn gánh đầy tràn, gánh to gánh nhỏ
Gánh như núi, gánh dồn như thác đổ
Trên đôi vai người ấy gánh và đi…
Thế hệ những nhà thơ con đẻ của chế độ đến với Đảng hồn nhiên, trong sáng hơn nhưng không kém phần sâu sắc:
Vào Đảng lòng tôi tự bảo mình
Hơn gì? Chỉ hơn chữ hy sinh
Đảng ta nào phải ai xa lạ
Là điều tự nguyện ở tôi, anh…
(Ý nghĩa dâng Đảng – Hoàng Minh Châu)
Hàng triệu đảng viên của Đảng đã phấn đấu hy sinh với một tâm niệm như thế.
Tám mươi sáu năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành trí tuệ, lương tâm và dũng khí của dân tộc. Có lẽ ít nơi nào Đảng được nhân dân gọi bằng hai tiếng thân yêu “Đảng ta” như ở Việt Nam. Với mục tiêu lớn: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động, Đảng đã ở giữa lòng dân ta. Vinh dự và hạnh phúc lớn lao cho Đảng là có Hồ Chí Minh – Người sáng lập và lãnh đạo Đảng đồng thời là lãnh tụ kính yêu của nhân dân. Từ thực tế đó trong các trường ca “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, “Theo chân Bác” của Tố Hữu, hình tượng Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã hòa nhập làm một với những phẩm chất cao đẹp. Với hình tượng thơ có tính ước lệ, Tố Hữu đã phản ánh vai trò vĩ đại của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng:
Ngọn cờ đỏ trên đầu phất phới
Bác Hồ đưa ta tới trời xa….
… Người đi trước nghìn sương, muôn tuyết
Dắt dìu dân nước Việt Nam ta
Bạc phơ mái tóc người Cha
Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Tô thắm lá cờ Đảng là những tấm gương hy sinh, phấn đấu của hàng triệu đảng viên và quần chúng trung kiên với Đảng. “Mồ anh hoa nở” (Thanh Hải), “Những người không chết” (Trinh Đường), “Người anh hùng Đồng Tháp” (Giang Nam), “Thăm mộ đồng chí Phùng Chí Kiên” (Bàng Sĩ Nguyên), “Giá từng thước đất” (Chính Hữu)… là những bài thơ xúc động về liệt sĩ Cộng sản. Trong bài thơ “Mồ anh hoa nở”, Thanh Hải đã phản ánh lòng tin tưởng tuyệt đối của nhân dân miền Nam đối với Đảng trong giai đoạn đất nước bị cắt chia. Kẻ thù đe dọa, không cho ai được chôn cất thi hài người chiến sĩ Cộng sản nhưng “Chiếc quan tài sơn son/ Vẫn đưa anh về mộ”. Và:
Trên mộ người Cộng sản
Hoa hồng nở và nở
Hương thơm bay và bay
Lũ chúng nó qua đây
Mắt diều không dám ngó.
Được nhân dân tuyệt đối tin tưởng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua gian khổ, khốc liệt, khó khăn chồng chất, giành thắng lợi cuối cùng: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ngọn cờ đỏ cách mạng thấm máu đào bao anh hùng, liệt sĩ đã và đang được Đảng ta phất cao vào thời kỳ Đổi mới đầy thời cơ, vận hội nhưng cũng đầy sóng gió và kịch tính của lịch sử.
Ngọn cờ vẻ vang của Đảng đã và đang đưa đất nước ta hội nhập vào thế giới hiện đại, đưa nhân dân ta tận dụng thời cơ, vượt qua sóng gió, cập bến bờ hạnh phúc. Đảng và lý tưởng cao đẹp phù hợp với nguyện vọng của nhân dân sẽ còn là nguồn thơ của các thi sĩ Việt Nam đương đại.
KHÁNH THI
Thơ Bác Hồ Viết Về Phụ Nữ
Thơ ca viết về phụ nữ của Bác trước hết là biểu hiện tấm lòng của Bác, một tấm lòng rộng mở, yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm và cảm thông.
Nhà sử học người Mỹ Giôxơphin Stensen trong một tham luận đọc tại hội nghị quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3/1990 có nhận xét: “Trong số các lãnh tụ là nam giới như Tômát Giecphécsơn, Mahátma Găngđi, Vlađimia Elích Lênin, Các Mác, Mao Trạch Đông, Máctin Lôthơ Kinh và Nenxơn Manđêla, chỉ có Hồ Chí Minh là luôn luôn nói về quyền bình đẳng của người phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như của nam giới.
Ngày nay, không phải chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhân loại đều nhất trí khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm sâu sắc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và đấu tranh quyết liệt giải phóng phụ nữ. Chính Người đã gắn cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với con đường đi tới bình đẳng, tự do và phát triển của phụ nữ.
Bác Hồ chụp ảnh với đại biểu Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam dự Đại hội Đảng lần thứ 2 (1956) tại Việt Bắc. (Ảnh: Tư liệu)
Thơ ca viết về phụ nữ của Bác trước hết là biểu hiện tấm lòng của Bác, một tấm lòng rộng mở, yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm và cảm thông. Ba bài thơ Cô Vượng khuyên chồng, Thư vợ gửi chồng, Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng viết trước cách mạng Tháng Tám cho thấy sức cảm thông, thấu hiểu đối với phụ nữ của Bác là rất lớn. Đọc những bài thơ này cứ tưởng như đọc những bài thơ của chính phụ nữ viết vậy. Người phụ nữ trong xã hội cũ chịu khó, chịu khổ nhẫn nhịn, lặng lẽ hy sinh cho chồng con, cho gia đình yên ấm phát triển. Lời tâm sự của người vợ với chồng:
Đói no bữa cháo bữa rau
Tuy lao khổ em dám đâu phàn nàn
(Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng)
Và:
Thù nước, thù nhà chàng gắng trả,
Việc nhà, việc cửa, thiếp xin đương.
(Thư vợ gửi chồng)
Ý thức về bổn phận, về trách nhiệm và sự chịu đựng là phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Các chị biết hy sinh, biết chịu đựng nhưng các chị cũng biết đón chờ hạnh phúc, niềm vui:
– Bao giờ đuổi sạch quân thù địch,
Ta sẽ sum vầy ở Cố hương.
(Thư vợ gửi chồng)
– Mai sau anh trở lại nhà,
Ánh trăng càng tỏ màu hoa càng nồng
(Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng)
Phải thực sự cảm thông, phải đồng cảm lắm mới có những câu thơ bật ra từ trái tim như thế. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị, hồi ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác cũng đã viết ba bài thơ (trong số 6 bài viết về phụ nữ của Nhật ký trong tù) về tình cảnh đáng thương trong hoạn nạn, tai ương của mấy cặp vợ chồng. Vợ người bạn tù đến thăm chồng, Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Gia quyến người bị bắt, toàn những con người và sự việc mà Bác chứng kiến, bài thơ nào cũng da diết một tình thương yêu, một sự cảm thông chia sẻ. Những người phụ nữ này chẳng phải là con cháu, là anh em ruột thịt, là đồng bào cùng Tổ quốc với Bác, họ lại còn là người đồng hương với những người đang ngày đêm hành hạ, đọa đầy, vậy mà Bác rất thương. Tình thương của Bác trùm lên khắp thế gian. Ai là người cực khổ, là người nhỏ bé trong xã hội Bác đều thương. Cảm thương với nỗi đau của người vợ mất chồng, bài thơ Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng đâu còn là lời của người làm thơ nữa mà là lời của người trong cuộc cơ sự vì sao vội lánh đời?. Để thiếp từ nay đâu thấy được thì rõ là đã nhập cái đau vào mình vậy. Một cảnh tượng thương tâm, đau xót khác, một người vợ vô tội bỗng nhiên phải ngồi tù thay vì chồng chị ta trốn đi lính làm bia đỡ đạn bảo vệ bọn cường quyền:
Biền biệt anh đi không trở lại,
Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu;
Quan trên xót nỗi em cô quạnh,
Nên lại mời em tạm ở tù.
(Gia quyến người bị bắt lính)
Một chế độ xã hội vô lý, vô nhân, trớ trêu và oái oăm đến thế là cùng. Đọc bài thơ Gia quyến người bị bắt lính không thể không liên tưởng đến một cảnh tượng dã man mà Bác đã lên án gay gắt trong Bản án chế độ thực dân Pháp viết từ năm 1925. Trong Bản án này, Bác dành hẳn một chương riêng Những nỗi khổ nhục của người đàn bà bản xứ mô tả tỉ mỉ những thân phận, những bà, những chị, những cháu bé gái hàng ngày, hàng giờ bị các quan thực dân áp bức, đầy đọa. Một tên Tây đoan ở tỉnh Bà Rịa, tự cho phép mình đánh gần chết người đàn bà chuyên gánh muối thuê cho hắn vì chị ta vô ý làm ồn ngoài hiên khiến hắn mất giấc ngủ trưa. Một tên Tây đoan khác ngang nhiên co chân đạp vào giữa bụng một chị phụ nữ đang mang thai, làm chị bị trụy thai và mấy ngày sau thì chết chỉ vì khi chào đã không gọi hắn là quan lớn. Căm phẫn trước tội ác dã man của bọn thực dân, Bác lên án đanh thép: Người ta nói: Chế độ thực dân là chế độ ăn cướp. Chúng tôi nói thêm: chế độ hãm hiếp đàn bà và giết người.
Trong một tác phẩm khác, Lên án chủ nghĩa thực dân, Bác đã vạch trần những hành động bạo ngược của bọn xâm lược: Không một chỗ nào, người phụ nữ thoát khỏi những hành động của bọn xâm lược; ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở chốn thôn quê, ở đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của các quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga…
Bất công, ngược đãi, ức hiếp phụ nữ, là bản chất của chế độ thực dân phong kiến ở bất cứ đâu, bất cứ nước nào. Bác đã lớn tiếng tố cáo mạnh mẽ chế độ thực dân tàn bạo đối với phụ nữ ở khắp các châu lục, Bác đã dành sự quan tâm và tình thương lớn cho phụ nữ. Tình cảm sâu sắc nhất của Bác luôn hướng về số phận đau thương của phụ nữ. Nhưng tình cảm đó không một chiều, không bao giờ làm cho phụ nữ bé nhỏ đi. Cùng với tình thương, Bác luôn tìm mọi cách thức tỉnh giác ngộ và khích lệ người phụ nữ tự chủ trong cuộc đời riêng đứng lên trong cuộc đời chung. Trong bài Ca phụ nữ, Bác biểu dương phụ nữ tham gia công tác cách mạng, Bác ca ngợi tinh thần cách mạng, ca ngợi tinh thần dũng cảm của chị em.
Một khi phụ nữ đã đứng lên thì mọi sức mạnh được phát huy. Lời người vợ trong bài Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng thật rắn rỏi trong một tình thế người chồng hoạt động cách mạng không may sa vào lưới giặc, bị bắt vào tù, người vợ nguyện tiếp bước con đường đi của chồng.
Vì anh tranh đấu mấy phen,
Vì anh mong giải phóng cháu Tiên, con Rồng.
Em xin anh chớ phiền lòng
Em tuy hèn yếu quyết thay chồng đấu tranh.
Ý thức về mình bao giờ cũng tự có trong bản thân người phụ nữ, chỉ có điều, nó bộc lộ và phát huy như thế nào, trong những hoàn cảnh nào, trường hợp nào.
Thời kỳ Mặt trận Việt Minh do yêu cầu khẩn thiết tập hợp lực lượng, Bác tha thiết kêu gọi phụ nữ:
Bây giờ cơ hội đã gần
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân cứu nhà.
Chị em cả trẻ lẫn già,
Cùng nhau đoàn kết để mà đấu tranh.
Đua nhau vào Hội Việt Minh,
Trước giúp nước sau giúp mình mới nên.
(Ca phụ nữ)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu phụ nữ tham dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, tháng 5/1952. (Ảnh: Tư liệu)
Phụ nữ đã làm theo lời Bác, tự nguyện tự giác tham gia Mặt trận Việt Minh, cùng toàn dân nhất tề đứng lên cứu nước, cứu nhà giành độc lập tự do. Để phát huy sức mạnh và tài năng phụ nữ, trong thơ ca Bác đã làm sống dậy những trang sử hào hùng của phụ nữ trong lịch sử dân tộc. Đó là Hai Bà Trưng phất cao cờ khởi nghĩa rửa sạch mối hận thù chồng nợ nước. Đó là Bà Triệu anh hùng, tài năng dũng cảm, cưỡi voi xung trận đuổi quân xâm lược. Đó là nữ danh tướng Bùi Thị Xuân dũng mãnh trăm trận trăm thắng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, vai trò và sức mạnh của phụ nữ càng được phát huy, phụ nữ được giải phóng, phụ nữ có mặt ở mọi nơi, trên khắp các mặt trận. Bác rất tự hào về những tấm gương phụ nữ anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi chị em phụ nữ lập chiến công hoặc đạt thành tích xuất sắc, Bác động viên, biểu dương và khen ngợi kịp thời. Chị Nguyễn Thị Bưởi (tức Anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi) hy sinh anh dũng, Bác viết bài thơ Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Bưởi tỏ lòng khâm phục và ca ngợi tinh thần hăng hái xung phong đi đầu trong mọi công việc, mưu trí, dũng cảm và kiên cường bất khuất trước quân thù. Bài thơ như một chuyện kể rất mực giản dị:
Việc gì chị cũng xung phong
Khi đánh giặc, khi giao thông;
Tuyên truyền tổ chức, chị không ngại nề.
Một hôm trên đường đi khai hội trở về chị bị địch phục kích bắt, chúng tra tấn dã man và dùng những thủ đoạn đê hèn làm nhục chị, nhưng chị không một lời khai, lại còn dùng mưu trí đánh lừa địch, kịp thời báo tin cho đồng đội cất giấu tài liệu bí mật của Đảng. Do không lung lạc, không khuất phục được, chúng đã đem chị ra hành hình một cách man rợ:
Đứa dao khoét vú đứa chân dẫm đầu,
Đứa thì tay đỡ chậu thau,
Đứa thì mổ bụng từ đầu đến chân.
Chị vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng, tiến công địch cho đến giây phút cuối cùng của đời mình Hô to khẩu hiệu chửi quân bạo tàn. Chị Bưởi đã trở thành người phụ nữ kiên cường, bất khuất. Bài thơ kết thúc, Bác nêu cao tấm gương Anh hùng Mạc Thị Bưởi:
Nêu gương oanh liệt muôn đời ngàn sau
Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân 1968, được tin các cháu dân quân gái thành phố Huế lập chiến công, Bác xúc động có thơ khen:
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái,
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.
(Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế)
Bác thực sự coi phụ nữ là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Một khi phụ nữ được giác ngộ, được giải phóng họ sẽ phát huy tất cả tài năng và sức mạnh to lớn của mình. Từ thực tiễn, Bác khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà tốt đẹp, rực rỡ”.
Bác tôn trọng phụ nữ, đề cao vai trò phụ nữ và chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ. Bác coi việc giải phóng phụ nữ là mục tiêu của cách mạng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ bao giờ cũng gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, gắn liền với độc lập, tự do của Tổ quốc. Tương lai phát triển của phụ nữ đi cùng với bước tiến của đất nước.
Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến, khẩu hiệu vừa chiến đấu vừa sản xuất mà Bác và Đảng đề ra được quán triệt và trở thành hành động cụ thể, là việc làm hàng ngày. Bác nêu điển hình trong Thư Bác Hồ gửi Mẹ Nguyễn Thị Đào, một bà mẹ vì nước, vì dân đã hiến dâng tất cả 6 người con cho Tổ quốc. Lời thơ trong thư là lời người mẹ mà cũng là lời non nước, tình nhà nghĩa nước quyện chặt, tiền tuyến hậu phương là một, hiện tại và tương lai kết nối, phơi phới tin yêu:
Con đi đi, đi đi con
Đánh Tây để giữ nước non Lạc Hồng
Bao giờ kháng chiến thành công
Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai.
Biết bao tấm gương những mẹ, những chị, những em, những cháu gái đã góp phần làm nên truyền thống anh hùng, làm nên chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, làm nên những kỳ tích trong xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác rất tâm đắc và luôn nhắc nhở mọi người câu nói của Mác: Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào. Bác đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Hơn ai hết, Bác Hồ là người thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, thương yêu và tin tưởng phụ nữ; đề cao và phát huy vai trò, tài năng và sức mạnh của phụ nữ. Bác khẳng định, giải phóng phụ nữ đó là một cuộc cách mạng to và khó. Dù to và khó nhưng nhất định thành công.
Bác tin tưởng ở cách mạng, Bác tin ở phụ nữ, đã viết câu thơ về phụ nữ:
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai.
Theo CHUYÊN MỤC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH (ĐÀI PT&TH AN GIANG)
Khúc Thị Lan Hương (st)
Những Vần Thơ Ca Ngợi Đảng
(QBĐT) – Viết về Đảng, về Bác, các thế hệ nhà thơ Việt Nam đều ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng trước công lao to lớn của Đảng đối với dân tộc, đối với bản thân bằng những vần thơ chân thành, giàu cảm xúc.
Đầu thế kỷ 20, thấu hiểu được nỗi khổ đau của nhân dân Việt Nam khi phải chịu ách thống trị của thực dân – phong kiến trong đêm trường nô lệ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm ra đi tìm đường cứu nước. Với lòng yêu nước nồng nàn, Người đã nhận ra ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tìm thấy con đường đúng đắn, phù hợp nhất để giải phóng dân tộc. Nhà thơ Chế Lan Viên với niềm kính yêu vô hạn và cảm xúc mãnh liệt đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã tái hiện giây phút thiêng liêng và hạnh phúc vô bờ bến của Bác và cũng là của nhân dân Việt Nam khi được tiếp xúc với bản Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê nin:
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin.
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!” Hình của Đảng lồng trong hình của nước Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.(Người đi tìm hình của nước)
Sau khi đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Người nhanh chóng bắt tay vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào trong nước, nhằm trang bị cho giai cấp công nhân Việt Nam kiến thức lý luận chính trị khoa học và tiến bộ để xúc tiến thành lập một chính đảng vô sản đủ khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng. Và ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập trên nền tảng kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong nước. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại trong tiến trình cách mạng Việt Nam, mở ra trang sử mới, tươi sáng hơn cho dân tộc. Ánh sáng của những chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn mà Đảng đề ra đã soi rọi vào mọi tâm hồn, lý trí của nhân dân Việt Nam, xua đi cảnh tối tăm, u ám và mang lại niềm tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng, niềm lạc quan về tương lai dân tộc. Trải qua thực tiễn đấu tranh, uy tín và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng ngày càng được nâng cao. Điều đó đã được nhà cách mạng Trường Chinh – nhà thơ Sóng Hồng diễn tả một cách cụ thể, gợi cảm qua hình ảnh ẩn dụ:
Bình minh bừng sáng ở phương đông Xé toạc màn sương phủ cánh đồng Đêm sẽ qua đi, ngày sẽ lại Trời quang, mây tạnh, ánh dương hồng.(Tin tưởng)
Còn với Tố Hữu – nhà thơ cộng sản đã gắn bó cả cuộc đời với Đảng và cách mạng, một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có một loạt bài ca ngợi Đảng, như: Với Đảng, mùa xuân, Một nhành xuân, Bài ca xuân 61, Bài ca xuân 67, Bài ca xuân 68… Với Tố Hữu, Đảng luôn là niềm tin, là lẽ sống, lẽ yêu đời. Trong bài Ba mươi năm đời ta có Đảng, với những vần thơ cô đọng súc tích, Tố Hữu đã thể hiện niềm tự hào, tin tưởng đối với Đảng, đối với chế độ xã hội mới; đồng thời nhà thơ cũng đề cao sức mạnh cũng như vai trò của Đảng đối với dân tộc và lòng biết ơn sâu nặng của nhân dân đối với Đảng:
Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt Đảng ta đây, xương sắt da đồng Đảng ta, muôn vạn công nông Đảng ta, muôn vạn tấm lòng, niềm tin Đảng ta Mác – Lê nin vĩ đại Lại hồi sinh, trả lại cho ta Trời cao đất rộng bao la Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người.
Sức mạnh to lớn của Đảng đã bao trùm, bất diệt trong lịch sử dân tộc bởi Đảng đã được xây dựng bằng trí tuệ minh triết của lãnh tụ và niềm tin tuyệt đối của nhân dân cùng sự đoàn kết chung sức chung lòng của những người cộng sản:
Đảng Cộng sản Việt Nam, là một đó Kim Tự Tháp diệu kỳ trong vũ trụ Hồ Chí Minh là đỉnh sáng: ngôi sao Và thân mình dám ngạo cả trời cao Là vai gắn của biết bao đồng chí Và nền tảng vững vàng hơn chiến luỹ Là nhân dân, là dân tộc quật cường. (Gánh – Xuân Diệu)
Ở mọi lúc mọi nơi, nhân dân vẫn luôn là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng và phát triển Đảng. Đã có biết bao người con của Đảng được nhân dân nuôi dưỡng, chăm sóc, chở che đùm bọc. Đặc biệt, trong những thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng, nhân dân càng thể hiện niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng:
– Thằng này là cộng sản Không được đứa nào chôn! – Không được đứa nào chôn! Lũ chúng vừa quay lưng Chiếc quan tài sơn son Đã đưa anh về mộ.
Đi theo sau hồn anh Cả làng quê đường phố Cả lớn nhỏ, gái trai Đám càng đi càng dài Càng dài càng đông mãi.(Mồ anh hoa nở – Thanh Hải)
Lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chúng ta luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, là Bác – một con người chủ nghĩa Mác sinh ra (Hải Như):
Bà mẹ lo cho cả năm chục triệu đứa con Khối óc tinh tường Mắt nhìn sáng rõ Trái tim dũng cảm… Có một bà mẹ nào như vậy? Đảng Cộng sản Việt Nam – đó chính là bà mẹ ấy!(Bà mẹ)
Hình ảnh so sánh Đảng với Bà mẹ đã phần nào thể hiện vai trò, tránh nhiệm của Đảng đối với nhân dân cũng như thể hiện tấm lòng của nhân dân ta đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Một điều dễ nhận thấy là những vần thơ ca ngợi Đảng đều có giọng điệu hào hùng mà chân thành tha thiết. Đó là tình cảm, tấm lòng của nhân dân ta dâng lên Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại.
Những Vần Ca Dao Hiện Đại Về Bác Hồ
Đất nước ta, dân tộc ta và ca dao, từ bao đời nay luôn bền chặt, thắm đỏ. Đất nước này là đất nước của nhân dân/ Đất nước của ca dao, thần thoại (Nguyễn Khoa Điềm). Và dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. (Điếu văn của BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam trong lễ tang Hồ Chủ tịch). Trong lịch sử văn học dân tộc và thế giới chưa có danh nhân nào được ca dao hóa như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bởi vì Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ (Tố Hữu), bởi vì Hồ Chí Minh – tên Người là cả một niềm thơ (Pêlix Pita Rôđrighêt – nhà thơ Cu Ba).
Sinh thời Bác rất thích dùng ca dao, tục ngữ trong các bài viết của mình để mọi người dễ hiểu, dễ thuộc, dễ tuyên truyền cách mạng. Những ngày bệnh nặng, Bác vẫn thèm nghe một câu hò xứ Nghệ. Nhà thơ Lê Anh Xuân trong Trường ca Nguyễn Văn Trỗi đã viết: Điệu lục bát, khúc dân ca/ Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam. Ngay trong bản Di chúc thiêng liêng, trước lúc đi xa, Người vẫn còn dặn lại đồng bào, đồng chí bằng một câu lục bát biến thể:
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Có thể nói: Bác và ca dao, ca dao và Bác đã có sự hài hòa, nồng thắm. Còn gì đẹp hơn, tự hào hơn khi nhân dân ta từ núi rừng, hải đảo xa xôi đến bưng biền Đồng Tháp đã dành những vần ca dao chứa chan nghĩa tình để viết về Người:
Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái dương.
Nhà thơ Trần Hữu Thung ở quê hương Bác, đã lọc ra trong hàng ngàn câu ca dao viết về Bác ở mọi vùng, mọi miền để có được cuốn Ca dao về Bác Hồ với 1.240 câu. Nhà giáo Nguyễn Nghĩa Dân trong Ca dao Việt Nam 1945-1975 (NXB Văn hóa – Thông tin – Hà Nội 1997) đã sưu tầm 745 bài (đơn vị ngắn nhất của một bài ca dao là 2 dòng lục bát), thì có tới 93 bài viết về Bác Hồ (chiếm trên 13%). Bác sống như trời đất của ta (Tố Hữu), như ánh sáng, như khí trời không thể thiếu được trong cuộc đời mỗi con người Việt Nam, và ai cũng cảm thấy:
Bác cho con cả cuộc đời tự do
Con đang đi giữa đêm trường
Nhờ Cha soi đuốc dẫn đường cho con
Công Cha như nước, như non
Như gương Hồ Thủy, như hòn Thái Sơn.
Các hình ảnh như vầng dương, sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn, ngọn đuốc, biển rộng, sông dài, núi cao, trăng rằm, hoa sen… luôn xuất hiện với tần số cao trong những câu ca dao về Bác:
Đố ai đếm được công lao Bác Hồ.
Muốn lay chẳng ngã, muốn rung chẳng rời…
Đồng bào Tây Nguyên đã có bài ca dao về Bác với những so sánh liên tưởng thật xúc động:
Hồ Chí Minh – Người là con sông lớn
Người là mặt trời, Người là mặt trăng.
Mùa lạnh nhắc tên Hồ Chí Minh: Cái bụng ấm,
Mùa nắng nhắc tên Hồ Chí Minh: Mây thêu mặt trời hồng,
Mùa Thu nhắc tên Hồ Chí Minh: Mây lắng trời trong,
Mùa Xuân nhắc tên Hồ Chí Minh: Cây cỏ đâm nhựa trổ bông.
Đồng bào Ê đê, Gia lai, Ba na cũng thường hát:
Lên rừng nhắc tên Hồ Chí Minh/ quên cả chân chồn, leo dốc nhanh
Xuống đồng nhắc tên Hồ Chí Minh/ cấy lúa suốt ngày không thấy mệt.
Bữa ăn nhắc tên Hồ Chí Minh/ đôi đũa và cơm như và ngọc
Nằm ngủ nhắc tên Hồ Chí Minh/ trời tan bóng tối, ấm năm canh.
Đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Hmông ở Việt Bắc, Tây Bắc luôn cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ:
Cụ Hồ thương dân đất Mường ta, sông bể không bằng.
Đưa đến chòm này người cán bộ giỏi giang.
Đồng bào Khmer, Chăm, Hoa cũng như muôn triệu trái tim miền Nam luôn tin tưởng và biết ơn Bác:
Cụ Hồ với dân như chân với tay
Như chày với cối, như cội với cành.
Nhưng rồi ngẫm lại mà coi
Có Đảng, có Bác, châu chấu đá voi lộn nhào.
Có Đảng, có Bác chẳng sợ chông gai bùn lầy.
Các chiến sĩ hành quân trên dải Trường Sơn – bên nắng đốt bên mưa quay, lại nhớ đến ngọn Tây Phong Lĩnh, nơi Bác đã từng tập leo núi khi mới ra tù, để từ đó có thêm sức mạnh:
Ngọn Tây Phong Lĩnh Bác trèo
Để giờ có núi, có đèo con qua.
Trường Sơn mây phủ, mưa sa
Chồn chân càng nhớ bước Cha mở đường.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã coi khinh máy bay giặc, bởi tin vào đôi tay lãnh đạo thần kỳ của Người:
Thằng Tây có trăm máy bay
Cũng không bằng cái móng tay Cụ Hồ.
Đặc biệt nhà thơ Bảo Định Giang đã nói hộ tấm lòng của muôn triệu đồng bào miền Nam đối với Bác qua bài ca dao nổi tiếng – Cụ Hồ và bông sen:
Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ
Cụ Hồ thì để tôn thờ trong tâm.
Có thể nói hai câu ca dao của Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ đã trở thành tài sản phi vật thể chung của cả dân tộc, là câu ca dao hiện đại hay nhất về Bác. Câu ca dao này đã phổ thông hóa bằng sự biến đổi đi bốn từ của phương ngữ Nam Bộ:
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen,
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Bác đã đi vào cõi trường sinh, nhưng mỗi khi đọc những vần thơ của Bác, hay những câu ca dao của dân tộc ta viết về Bác, mỗi chúng ta lại thấy: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn để rồi Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau (Tố Hữu). Và sau cùng, tôi xin phép trích một bài ca dao thời kháng chiến chống Pháp, viết về Bác để kết thúc bài viết nhỏ này như một thông điệp gửi tới bạn đọc gần xa và dâng lên hương hồn Bác nhân Ngày sinh của Người 19- 5:
Tuy xa, xa lắm, nhưng gần, gần ghê,
Rộn ràng khắp chợ cùng quê đón mừng,
Ai ngoài muôn dặm trùng dương
Cũng thường nhận được tình thương Cụ Hồ.
Hai Bài Thơ Bác Hồ Mừng Xuân Mậu Thân 1968
Cách đây đúng bốn giáp, mùa xuân năm 1968 đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn thế chiến lược của cuộc chiến tranh, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Mùa xuân năm đó Bác Hồ đã có hai bài thơ mừng xuân.
Bài thứ nhất: Đó là bài thơ như thường lệ, Bác viết cùng trong bức thư gửi chúc mừng đồng bào và chiến sỹ cả nước ngày 1-1-1968 (Tết Dương lịch). Biết rằng Tết Âm lịch năm đó Bác sẽ không ăn Tết ở nhà nên sáng ngày đầu tiên của Tết Dương lịch Bác đã đi thăm một số nơi vừa bị máy bay Mỹ đánh phá, nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tổ chức tết cho nhân dân, chú ý quan tâm nhiều đến các gia đình bị nạn. Trong thư gửi đồng bào nhân dịp năm mới Bác đã điểm lại những thắng lợi của quân và dân ta ở cả hai miền trong năm 1967 và mong rằng năm 1968 quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Sau khi gửi lời cảm ơn và chúc mừng nhân dân thế giới và kiều bào ta ở nước ngoài, Người chúc năm mới đồng bào và chiến sỹ ta bằng bài thơ:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Và ngay buổi chiều ngày 1 Tết Dương lịch đó, do điều kiện sức khỏe nên Bác đã đi nước ngoài dưỡng bệnh. Đáp lời Bác và thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, nhân dân cả nước ta đã nhất tề đứng lên với khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, để mùa xuân này “hơn hẳn mấy xuân qua.”
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã diễn ra vào thời điểm rất bất ngờ đối với chính quyền Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Vào đúng thời điểm Giao thừa của Tết Âm lịch, và bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành hiệu lệnh mở màn cho chiến dịch. Đó là vào đêm ngày 30, rạng ngày 31-1-1968, tức là ngày Một Tết Mậu Thân, suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, các lực lượng vũ trang quân giải phóng đã bất ngờ tấn công rộng khắp, đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã, các sào huyệt và cơ quan đầu não của địch. Tại Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mục tiêu quan trọng như Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Đài phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ,… đều bị tấn công. Tại thành phố Huế, quân ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, giải phóng thành phố và chiếm giữ suốt 25 ngày đêm.
Ngày Tết ở nước ngoài nhưng lòng Bác từng giờ từng phút hướng về đất nước chờ tin chiến thắng. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác sau này kể lại: Đêm Giao thừa năm đó Bác ít ngủ. 5 giờ sáng mồng Một Tết Bác đã ngồi bên bàn đón nhận tin chiến thắng từ trong nước báo sang. Cũng giờ phút đó, được phép của Bộ Chính trị, đồng chí Thư ký thay mặt nhân dân cả nước kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Bác rất cảm động, sung sướng, và để ghi lại giây phút hạnh phúc đó Bác nói đồng chí Vũ Kỳ lấy giấy bút viết mấy dòng gửi về nhà. Bác đọc:
Đã lâu không làm bài thơ nào, (Bác nhắc đồng chí Thư ký đánh dấu phảy xuống dòng. Đồng chí Thư ký hỏi: Thưa Bác là thơ ạ? Bác đọc tiếp:
Nay lại thử làm xem ra sao, (phảy xuống dòng, Bác nhắc. Đồng chí Thư ký nghĩ: đúng là thơ rồi)
Lục mãi giấy tờ, vần chửa thấy,
Bỗng nghe vần “Thắng” vút lên cao! (Bác nhắc đánh dấu (!) ở chữ “Thắng” mà Bác gọi đó là “dấu chấm vui”.
Bài thơ của Bác chốt ở chữ “Thắng” và là “Bài thơ vần thắng” của Bác Hồ. Đó cũng là bài thơ thứ hai của Bác mừng xuân Mậu Thân 1968.
Chiến thắng Tết Mậu Thân 1968 đã khắc sâu vào lịch sử dân tộc một bản anh hùng ca bất diệt. Chiến thắng đó đã làm rung chuyển nước Mỹ, làm cho phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ lên cao. Trong tình thế đó Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận nhượng bộ để có thể chấm dứt chiến tranh trong danh dự. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là bước nhượng bộ rất lớn của Mỹ. Và ngày 10-5-1968, cuộc đàm phán đã bắt đầu được thực hiện tại Pari, Thủ đô nước Pháp.
Với những ý nghĩa đó, mùa xuân Mậu Thân 1968 đã thực sự trở thành mùa xuân đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc ta nói chung và đặc biệt là lịch sử cuộc kháng chiến cứu nước nói riêng – một mùa xuân “Hơn hẳn” những mùa xuân trước đó. Nói về ý nghĩa của chiến dịch Mậu Thân 1968, trong bức điện gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Bác Hồ viết: “Thắng lợi đầu xuân của quân và dân miền Nam đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến một tình thế mới rất có lợi! Không có gì cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn của giặc Mỹ và tay sai.”
Đó cũng là ý nghĩa những vần thơ “Thắng” của Bác Hồ ca ngợi chiến công oanh liệt của chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đoàn kết, quyết chiến quyết thắng, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, vào thời khắc Giao thừa năm mới Mậu Thân 48 năm trước.
Việt Hải
Cập nhật thông tin chi tiết về Những Vần Thơ Viết Về Đảng, Bác Hồ Và Mùa Xuân trên website Dtdecopark.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!