MẸ ƠI, CON HẾT SỢ RỒI, CÒN MẸ THÌ SAO?
Mấy hôm nay, trong group chat của nhóm đồng nghiệp cũ, chúng tôi bàn luận trao đổi với nhau về dịch bệnh, về các tai ương… , tai nạn liên tiếp mà con người hứng chịu trong năm nay. Nhà nào cũng có người này người nọ bị làm sao đó, thế giới thì bất ổn loạn lạc. Bạn bè tôi lo lắng, sợ hãi đến độ không khí trong group chat trở nên chùng xuống. Dĩ nhiên, tôi ko nói gì nhiều, chỉ nói qua rằng đến lúc văn minh kết thúc, suy thoái là điều tất yếu mà chúng ta phải đi qua thôi (tôi ko nói sâu thêm về chuyện khoa học tâm linh vì cơ bản hầu hết mọi người đều chưa có khái niệm).
Đi đường sách, tình cờ tìm thấy cuốn sách cũ nói về nỗi sợ dành cho con trẻ trong bộ “Tủ sách giúp bé trưởng thành”. Bộ này bao gồm những cuốn sách mỏng nói về cách đối diện và ôm ấp cảm xúc rất hay. Tôi từng giới thiệu cho nhiều phụ huynh.
Cuốn sách nói là cho trẻ con, nhưng thực ra tôi thấy lớn nhỏ gì đọc cũng đều hay cả. Cuốn sách mỏng, dạng tranh truyện song ngữ rất dễ thương, hướng dẫn cách đối diện và quan sát nỗi sợ, cách cách thức để thấu hiểu và chuyển hoá sự sợ hãi một cách tự nhiên. Trong cuốn sách có đề cập đến nhiều dạng nỗi sợ cơ bản: sợ ma, sợ bóng tối, sợ độ cao, sợ con vật, sợ vì các tình tiết phim ảnh ghê rợn, sợ đi học mà không thuộc bài…
Tôi chợt nghĩ, phần lớn những người lớn chúng tôi, lớn lên trong môi trường Việt Nam với rất nhiều nỗi sợ, mà phần lớn những nỗi sợ ấy lại do chính các bậc phụ huynh và hàng xóm vẽ ra, ko ai giỏi bằng người lớn Việt Nam trong việc doạ dẫm. Khi bé chúng tôi bị doạ sợ vỡ mật thế nào, thì nay, dĩ nhiên, những người bạn quanh tôi lại kế tiếp truyền thống gia đình, doạ những đứa con của họ y như thế. Tôi cũng không trách móc gì, vì cơ bản đó là quán tính theo thói quen vô thức rồi, không dễ gì mà sửa được. Một buổi tối nọ, đi ăn chung cùng con bạn thân, nó dắt con theo, sư cha bữa ăn có 2 tiếng thôi mà thằng bé bị doạ đủ thứ: Nào là nếu con ko cẩn thận, cứ nghịch ngợm thì sẽ bị rơi vào nồi lẩu mà chết, Con ko ăn thì lát đi về chú công an sẽ bắt, Con mà abc thì ông A hàng xóm sẽ cắt tai con…
Một con bạn khác của tôi thì rất tự hào vì con nó gặp ai cũng chào rất ngoan, dù mặt đầy sợ hãi, vì nó bị ông hàng xóm doạ cho nhiều lần nếu ko chịu chào người lớn cho ngoan. Và tôi được nhìn cái mặt cười gượng gạo của thằng bé che giấu vụng về vẻ sợ hãi khi chào tôi, biểu diễn ngay sau phần giới thiệu của mẹ cháu. huhu
Chao ôi, thế giới rộng lớn, mới mẻ trong mắt 1 đứa bé trở nên bất ổn làm sao. Tưởng tượng thử xem, nếu bạn đi vào một thế giới toàn những người khổng lồ to cao gấp 3-5 lần bạn, họ nói nhiều từ mà bạn chưa biết và không hiểu, bạn đang học cách thích nghi với môi trường mới, người thân cận nhất với bạn chỉ có 2 người (cũng là người khổng lồ to đùng đã sống oử thế giới naỳ rất lâu – là bố và mẹ bạn). Hai người này có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp bạn làm quen và thích nghi với thế giới, chăm sóc và bảo vệ bạn, nhưng lại liên tục doạ bạn về 1 thế giới đầy hiểm nguy (chưa kể có những người khổng lồ to lớn khác phụ hoạ theo), thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Là người lớn còn cảm thấy bất an, khủng hoảng chớ đừng nói gì con trẻ, đúng ko?
Thế dưng mà chưa hết, chúng ta doạ nạt con nít đủ thứ để cháu nó sợ hãi vãi đạn ra, nhìn đâu cũng thấy toàn nguy cơ rình rập nhưng lại ít khi hướng dẫn cháu nó làm cách nào để nhận diện, ôm ấp, và vượt qua nỗi sợ (vì chính chúng ta cũng có biết đâu, huhu). Rồi thêm vào đó, chúng ta kì vọng các cháu bé lớn lên trong 1 môi trường toàn doạ dậm với đủ nguy cơ sợ hãi kinh người lên phải trở thành 1 người lớn tự tin, mạnh mẽ, độc lập, dũng cảm, bình an, điềm nhiên ko lo lắng, sợ hãi… Ai rành nhân quả giải thích giúp tôi làm thế nào để gieo hạt chanh mà nở ra quýt đường nếu ko xài chất biến đổi gen công nghệ cao cấp với ạ?
Tôi không trách bạn tôi, khi doạ dậm con nó đủ thứ như thế. Tôi hiểu rằng đằng sau đó, là nỗi sợ hãi, bất an, loay hoay rất tự nhiên và bản năng của những người làm cha làm mẹ. Thế nên tôi hay giới thiệu bộ sách này cho bạn bè của tôi, lấy cớ là tặng cho các con, bố mẹ đọc cho con nghe, nhưng tôi tin rằng đâu đó nó sẽ chạm đến trái tim phụ huynh trước nhất, những trái tim cũng đầy sợ hãi, tổn thương và loay hoay với cảm xúc của chính mình.
Và một lần nữa, như rất nhiều lần trao đổi với phụ huynh lớp mầm non của mình năm xưa, tôi luôn khẳng định rằng vấn đề của con luôn là tấm gương phản chiếu cha mẹ, thày cô. Nếu tự cho rằng con mình không ổn, cha mẹ và thày cô cần tự quay về quan sát để nhận diện, xử lý vấn đề của bản thân mình trước. Nhờ có các con, chúng ta có thêm những dấu hiệu để quan sát bản thân mình tốt hơn, giúp mình rồi đồng thời trong đó mới giúp được con.