THAM
(Pháp Cú 356) Cỏ hoang làm hại ruộng vườn Tham lam gây hại nhiều hơn cho người, Tham lam ai đã lìa rồi Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng Hưởng về phước báu vô vàn.
Theo Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” người không tham muốn thì được thành tựu những điều tốt đẹp sau đây: Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, của cải không bị mất mát, hưởng phúc đức và những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, mặc dù mình không mong ước.
Đức Phật còn dạy là đừng để tham và sân, đừng để tội lỗi lôi mình vào cảnh khổ. Tội lỗi ở đây nghịch nghĩa với chánh hạnh, là không theo giáo pháp, trong câu sau này có nghĩa là sân hận. Căn nguyên của điều ác là tham lam và sân hận:
SÂN
“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù.
Sở dĩ sân sinh khởi là do lòng yêu thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người thân của ta, hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay. Khi khó chịu tăng dần thời sẽ trở thành nóng giận. Nhưng nên nhớ rằng trên đời này không ai tránh khỏi bị khiển trách, bị chê bai, khó tránh khỏi miệng thế gian như Đức Phật đã từng đưa nhận xét:
(Pháp Cú 227) Người con Phật hãy nghe đây Chuyện không phải chỉ đời này mà thôi Từ đời xưa đã nói rồi: “Làm thinh thời sẽ có người chê bai, Nói nhiều cũng bị chê hoài, Dù cho nói ít cũng người chê thôi”. Làm người không bị chê cười Thực là chuyện khó ở nơi cõi trần.
Trong quá khứ, trong tương lai và trong hiện tại chưa hề có người nào bị tất cả mọi người chê bai hay được tất cả mọi người khen ngợi, đúng như lời Đức Phật dạy:
(Pháp Cú 228) Ở đời toàn bị chê bai Hay toàn nghe tiếng người ngoài khen ta Từ xưa chẳng thấy xảy ra, Tìm trong hiện tại thật là khó sao, Tương lai cũng chẳng có nào.
(Pháp Cú 222) Khi cơn giận dữ bùng ra Ai mà ngăn được mới là người hay Giỏi như hãm lại được ngay Chiếc xe đang chạy chở đầy, phóng nhanh, Nếu không thì bản thân mình Cầm cương hờ hững tài tình gì đâu.
Đại đức Mục Kiền Liên hỏi thăm nhiều vị Trời nhờ công đức gì mà được tái sinh vào cảnh trời. Các vị này kể ra những hành động xem ra có vẻ không quan trọng lắm như chân thật, nhẫn nại và bố thí v.v… Khi ngài Mục Kiền Liên bạch hỏi Đức Phật vậy những hành động tuy nhỏ nhưng tốt lành có thể nào dẫn đến các cõi trời không, Đức Phật dạy:
(Pháp Cú 224) Nói lời chân thật luôn luôn, Dẹp cơn nóng giận dỗi hờn khó coi, Dù ta có ít của thôi Cũng chia bố thí cho người đến xin, Nhờ ba việc tốt lành trên Đưa ta đến cõi chư thiên, cõi trời.
Giảng về quả phúc của người cúng dường đến bậc hoàn toàn thanh tịnh, Đức Phật dạy rằng cỏ dại làm hại ruộng vườn thời lòng sân hận cũng làm hại loài người. Vì vậy người nào diệt hết lòng sân hận thì người đó đáng được ngưỡng vọng và khâm phục:
(Pháp Cú 357) Cỏ hoang làm hại ruộng vườn Lòng sân gây hại nhiều hơn cho người, Ai lìa sân hận được rồi Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng Hưởng về phước báu vô vàn.
(Pháp Cú 321) Luyện voi dự hội, tài thay Luyện voi vua cưỡi cũng hay vô cùng, Nhưng mà nếu luyện được lòng Luôn luôn nhẫn nhục, chẳng còn nổi sân Khi nghe phỉ báng bản thân Mới là điêu luyện, muôn phần tài hơn.
Đức Phật dạy rằng tự chế ngự được mình mới là điều rất quý và người chịu cố gắng, đủ nhẫn nại để tự huấn luyện mình thời cũng sẽ được hưởng kết quả tốt lành như người đã khéo huấn luyện các con thú vật như la, ngựa và voi. Con người thuần thục, giới đức trang nghiêm là hơn tất cả:
(Pháp Cú 322) Con la được huấn luyện qua Trở nên thuần tánh, tỏ ra tốt lành, Ngựa nòi sinh chốn sông xanh Sau khi huấn luyện, trở thành ngựa hay, Voi ngà to lớn quý thay Sau khi huấn luyện voi này tuyệt luân, Con người nếu chính bản thân Tự mình thuần hóa được luôn chính mình Mới là người thật tài tình!
(Pháp Cú 369) Tỳ Kheo tát nước thuyền này Thuyền không nhẹ nhõm xuôi ngay theo dòng, Tham và sân trừ diệt xong Thân này cũng nhẹ thoát vòng nhiễm ô Niết Bàn mau chóng qua bờ.
SI
(Pháp Cú 11) Những gì không thật, hão huyền Lại cho là thật và tin vô bờ, Những gì chân thật lại ngờ Lại cho không thật, chỉ là giả thôi, Nghĩ suy lầm lạc mất rồi Thấy sao chân thật rạng nơi pháp mầu.
(Pháp Cú 12) Biết đây là thật để tin Biết kia không thật, hão huyền mà thôi Nghĩ suy theo đúng đường rồi Thấy ngay chân thật rạng nơi pháp mầu.
(Pháp Cú 141) Dù tu khổ hạnh triền miên Trần truồng, bện tóc, tro đen xoa mình Nhịn ăn, nằm đất, lăn sình Sống dơ, ngồi xổm để hành xác thân Nào đâu thanh tịnh được tâm Nếu không trừ dứt đi phần hoài nghi.
(Pháp Cú 107) Trăm năm ở tại rừng sâu Dốc lòng thờ lửa cũng đâu sánh bằng Chỉ trong giây lát cúng dường Những người đạo hạnh một đường chân tu Thật là công đức vô bờ Hơn là thờ lửa mê mờ trăm năm.
(Pháp Cú 108) Suốt năm bố thí, cúng dường Để cầu phước báu chẳng bằng so ra Phần tư công đức của ta Khi ta kính lễ những nhà chân tu Thanh cao, chính trực vô bờ.
(Pháp Cú 358) Cỏ hoang làm hại ruộng vườn Si mê gây hại nhiều hơn cho người, Si mê ai đã lìa rồi Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng Hưởng về phước báu vô vàn.
TAM ĐỘC
(Pháp Cú 283) Đốn rừng nhưng chớ chặt cây, Đốn rừng tham ái với đầy sân si Chính do rừng dục vọng kia Mà bao sợ hãi dễ bề sinh ra Rừng to, rừng nhỏ quanh ta Cả hai rừng đó mau mà đốn đi, Các Tỳ Kheo hãy thoát ly Thoát rừng dục vọng muôn bề tối tăm.
(Pháp Cú 251) Lửa nào có thể sánh ngang Lửa tham dục nọ dữ dằn vô biên, Không còn cố chấp nào bền Bằng tâm sân hận nổi lên cấp kỳ, Lưới nào trói buộc dầm dề So ra với lưới ngu si buộc ràng, Sông nào chìm đắm cho bằng Dòng sông ái dục cuốn phăng bao người.
(Pháp Cú 20) Dù cho chỉ tụng ít kinh Nhưng theo giáo pháp thực hành sớm khuya Hết tham, hết cả sân, si Lòng luôn tỉnh giác, tâm thì hiền lương Trước sau giải thoát mọi đường Tu hành lợi ích ngát hương muôn đời.
Theo Phật Giáo, pháp học sẽ không bổ ích nếu không thật sự thực hành điều đã học. Như vậy, Phật Giáo không phải là một triết học suông mà là con đường giác ngộ duy nhất.
(Pháp Cú 179) Chẳng ai hơn nổi con người Đã từng thắng phục được nơi dục tình Người như vậy chính thân mình Ở đời không sợ dục tình dõi theo Mênh mông Phật giới cao siêu Tham, sân, si dấu tích đều còn đâu Các ngươi cám dỗ dễ nào.
(Pháp Cú 180) Lưới mê được giải tỏa rồi Dục tình kia khó tìm người dõi theo Mênh mông Phật giới cao siêu Tham, sân, si dấu tích đều còn đâu Các ngươi cám dỗ dễ nào!