Xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1951, tác phẩm này đã gây ra tranh cãi lớn vì đã sử dụng nhiều ngôn từ tục tĩu, mô tả tâm lý chán chường và vấn đề tình dục của vị thành niên. Nhân vật chính của Bắt trẻ đồng xanh, Holden Caulfield, đã trở thành hình tượng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên Mỹ. Chính vì thế “Bắt trẻ đồng xanh” có nội dung gai góc và thô hơn cái tên mỹ miều của cuốn tiểu thuyết.
Những trích dẫn tiêu biểu trong Bắt trẻ đồng xanh:Chương 1:
À, tôi quên kể là tôi đã bị đuổi. Tôi sẽ không quay lại trường sau kỳ nghỉ Giáng Sinh này, vì tôi đã thi trượt bốn môn, và nói chung, tôi không chịu học hành gì, chứ chẳng phải chỉ riêng bốn môn kia. Họ đã cảnh cáo tôi đến cả trăm lần – phải cố mà học hành. Bố mẹ tôi, hồi giữa học kỳ cũng đã bị mời lên gặp lão Thurmer hiệu trưởng. Nhưng tôi bất chấp tất, vẫn chẳng chịu học hành gì. Thế nên họ đã đuổi thẳng cánh. Họ đã đuổi khỏi Pencey vô khối đứa. Học lực bọn ấy đều rất chúa, thật đấy; toàn là những học trò giỏi hẳn hoi.
Chương 2:
– Hai ông bà, mỗi người có một phòng riêng. Cả hai đều đã ngót bảy mươi, nếu không hơn. Tuy thế, họ vẫn cố tận hưởng mọi lạc thú cõi trần, dù rằng một chân đã mấp mé bên miệng huyệt. Ăn nói thế là mất dạy, tôi biết, nhưng trong thâm tâm tôi hoàn toàn chẳng muốn nói thế chút nào.
– Ông già Spencer lại lắc đầu. Vừa lắc đầu, vừa cho tay vào mũi ngoáy lấy ngoáy để. Thầy ấy làm như thể chỉ lau mũi qua quít, nhưng kỳ thực đã thọc cả một ngón tay vào ngoáy. Chắc thầy ấy tưởng chuyện đó chẳng sao hết, bởi lẽ ngoài tôi ra, trong phòng chẳng còn ai. Tôi thì cố nhiên, tôi chẳng chấp làm gì, tuy rằng tôi chúa tởm cái trò cứ thọc tay vào mũi mà ngoáy trước mặt người ta.
Chương 3
Tôi chúa hay nói dối, trên đời đố ai sánh kịp. Một tật xấu thật đáng tởm. Rõ ràng tôi đang ra hiệu sách để mua một tờ báo vớ vẩn gì đó, nhưng nếu thình lình có ai hỏi đi đâu, tôi sẽ không chút ngần ngại, bảo ngay: đi xem ca kịch đằng rạp Ôpêra. Thật kinh khủng! Tôi bảo với ông già Spencer phải đến phòng tập thể thao gấp để thu dọn các thứ đồ đạc linh tinh, nói dối đấy. Kỳ thực, tôi chẳng đời nào dại dột để một thứ gì đằng cái phòng thổ tả ấy.
Chương 4:
Tôi vừa mới kể là Ackley ở bẩn kinh người. Thằng Stradlater cũng thế, nhưng bẩn theo kiểu khác. Bề ngoài thì chẳng có gì đáng chê. Lúc nào cũng bảnh bao như một ông hoàng. Nhưng các bạn cứ xem nó cạo râu khắc biết. Lưỡi dao thì gỉ ngoèn, trông đến phát tởm, lại đầy những lông với tóc và bê bết bọt xà phòng dẻo quánh từ những lần cạo trước vì cấm chịu rửa. Cho nên, trông thì bảnh đấy, nhất là khi nó chải chuốt, nhưng kỳ thực vẫn là đứa ở bẩn. Ai chứ Stradlater thì tôi chẳng lạ. Nó thích chải chuốt, khoe mẽ, vì nó tự mê mình, tự nghĩ mình đẹp trai nhất Tây bán cầu. Thực ra thì nó chỉ trông được thôi, – khoản đó phải nói cho công minh. Nhưng đó chỉ là vẻ đẹp vừa đủ để các ông bố, bà mẹ lật tập album trường ra phải tấm tắc khen: “Con nhà ai thế?” Một vẻ đẹp chỉ hiện rõ trong album thôi, các bạn hiểu chứ? Ở trường Pencey này vô khối đứa, theo tôi, còn đẹp trai bằng vạn nó, nhưng trên ảnh trông lại chẳng ra sao. Bọn đó, đứa thì mũi dường như dài quá, đứa thì tai vểnh lên. Khoản ấy tôi biết rất rõ.
Chương 6:
Tôi chẳng thèm trả lời. Vất nắm giấy vào sọt rác, hết chuyện. Rồi tôi lên giường nằm. Cả hai đều nín thinh hồi lâu. Nó cởi áo, chỉ còn một chiếc quần cộc trên người. Tôi vừa nằm, vừa châm một điếu thuốc. Hút trong phòng ngủ vốn bị nghiêm cấm, nhưng khuya khoắt thế này, đứa thì ngủ khoèo, đứa thì đi chơi vắng, nên tôi chẳng có gì phải sợ. Vả lại tôi đang muốn chọc tức thằng khốn kiếp Stradlater. Nó rất hay cáu khi thấy có đứa vi phạm quy chế ký túc. Nó không đời nào dám hút thuốc trong phòng. Còn tôi, vẫn phì phèo điếu thuốc trên môi.
Chương 7:
Bất thần, đến Trenton bỗng có một bà lên tàu, và ngồi xuống bên tôi. Trong toa vắng ngắt (…làm mình nhớ đến Spirtited away…), nhưng chả hiểu sao bà nọ vẫn không thích ngồi một mình, trên những dãy ghế trống thứ hai, thứ ba…Bà ngồi ngay xuống cạnh tôi, vì tôi đang thu mình ở dãy đầu cũng. Rồi đặt bừa cái túi sách đồ sộ ngay giữa lối đi lại, chẳng cần biết ông bán vé hoặc một hành khách nào có thể xéo phải. Chắc bà ta vừa rời một cuộc hiêu đãi hoặc vũ hội nào đó. Tôi thấy trên áo còn cài một nhánh phong lan tuyệt trần. Bà ta chắc đã bốn mươi, bốn lăm, nhưng vẫn đẹp kinh khủng. Tôi vốn dại gái. Thật đấy. Không, đừng nghĩ oan cho tôi, tôi hoàn toàn chẳng phải là thằng ăn chơi, tuy trông bề ngoài thì có vẻ thế thật. Tôi thích phụ nữ đẹp, chỉ có vậy.
Chương 10:
Ban nhạc Buddy Singer chơi dở thậm tệ. Họ chơi ầm ĩ khủng khiếp, nhưng ầm đến mức quái đản, chứ không phải một cách điệu nghệ, như các ban nhạc danh tiếng. Nói trắng ra là chẳng có ai, – bởi phần đông đều là những lão già hợm hĩnh ngồi với bồ. Trừ chiếc bàn bên cạnh đang có ba cô gái tuổi suýt soát ba mươi. Cả ba đều khá xấu xí, và nhìn mấy chiếc mũ họ đội, khắc biết họ là dân ở xa tới. Nhưng trong đám ấy có một cô, cô tóc sẫm, trông cũng chẳng đến nỗi khó coi. Gương mặt cô có một vẻ gì ngồ ngộ rất khó tả, nhưng khi tôi bắt đầu thử phân tích, thì gã bồi bàn lại xuất hiện. Tôi gọi một ly Whisky soda, nhưng dặn đừng pha thêm gì hết. – Tôi cố nói thật nhanh, nếu trù trừ, gã nọ sẽ biết ngay bạn chưa tới tuổi, và bạn đừng hòng được uống một giọt rượu nào. Tuy thế, gã vẫn hạch ngay:
– Rất tiếc, thưa ông, nếu ông không đem theo giấy tờ xác nhận đã đủ tuổi.
Chắc ông có mang theo trong túi bằng lái xe chứ ạ?
Tôi ném về phía gã một cái nhìn lạnh như băng, như thể gã vừa sỉ nhục tôi không bằng, rồi nói lớn:
– Tôi thế này mà anh thấy chưa đến tuổi trưởng thành, hả?
– Rất tiếc, thưa ông, nhưng chúng tôi có lệnh.
– Được rồi, được rồi, – tôi nói vậy, nhưng thầm nghĩ: “Quỉ bắt anh đi!” – Cho tôi một chai côcacôla vậy. Gã bắt đầu trở gót, thì tôi gọi giật lại:
– Anh làm ơn cho thêm vài giọt rum, được không? – Tôi nói bằng một giọng hết sức lịch duyệt và mềm mỏng. – Không lẽ đã vào đây ngồi mà vẫn tỉnh táo được à? Thêm có vài giọt, chẳng lẽ cũng bị cấm?
– Rất tiếc, thưa ông, tôi không được phép! – Rồi gã quay đi. Nhưng lỗi đâu phải ở gã? Gã có thể mất việc tức khắc, nếu mang rượu lên cho những khách khứa chưa đến tuổi trưởng thành. Mà tôi, rủi thay lại đúng là loại khách đang ở độ tuổi vị thành niên.
Chương 15:
Chương 19
Có lẽ bạn chưa từng sống ở New York nên không biết Wiker bar nằm trong một khách sạn rất sang trọng – Seton Hotel. Trước đây, tôi thường xuyên đến đó, nhưng sau lại thôi. Giờ thì tôi hoàn toàn không lai vãng tới đó nữa. Mọi người cho rằng đó là một khách sạn cực kỳ tao nhã nên tất tật bọn công tử bột đều mò đến. Chiều nào cũng có hai phụ nữ Pháp, Tina và Janine biểu diễn đến ba bận, họ chơi đàn dương cầm và hát. Một ả chơi đàn thối không tưởng được, còn ả kia hát toàn những bài bỉ ổi, không thì lại bằng tiếng Pháp.
Chương 24:
– Cái vực thẳm mà cậu đang rơi xuống thật khủng khiếp và tai hại. Ai rơi vào đó sẽ không bao giờ thấy đáy. Cứ rơi, rơi mãi. Điều đó thường xảy ra với những người, ở một thời điểm nào đó trong đời mình, bắt đầu tìm kiếm cái mà môi trường xung quanh quen thuộc không thể đem đến cho họ được. Đúng hơn là họ nghĩ rằng trong môi trường quen thuộc, họ không thể tìm được bất cứ cái gì cho mình. Và họ ngừng tìm kiếm. Ngừng tìm kiếm ngay, thậm chí không buồn tìm thêm lấy một cái gì đó. Cậu có dõi theo ý tôi không đấy?
Mua sách trên Fahasa
Trích dẫn hay nhất:Tôi nghĩ sẽ kiếm việc đổ xăng ở trạm xăng nào đó, bơm xăng dầu vào xe mọi người. Tuy nhiên ấy là loại công việc gì thì tôi cũng cóc cần. Chỉ cần người ta không biết tôi và tôi cũng không biết ai cả. Tôi nghĩ điều tôi sẽ làm là, tôi sẽ giả làm một thằng câm và điếc. Với cách đó tôi sẽ khỏi phải nói chuyện vớ vẩn ngu ngốc với người nào. Nếu người nào muốn nói với tôi điều gì, họ phải viết lên một mảnh giấy ném cho tôi. Họ sẽ chán thấy mồ sau một thời gian làm như vậy, và suốt đời về sau tôi sẽ thoát cái nạn phải nói chuyện với mọi người. Mọi người sẽ nghĩ rằng tôi chỉ là một thằng phải gió vừa câm vừa điếc đáng thương hại, và sẽ để tôi yên. Họ sẽ để tôi đổ xăng và dầu vào trong những chiếc xe điên khùng của họ, và sẽ trả lương cho tôi các thứ, và tôi sẽ làm một cái chòi nhỏ đâu đó với tiền kiếm được và sống nốt cuộc đời của tôi ở đấy. Tôi sẽ dựng cái chòi cạnh rừng, nhưng không ở trong rừng hẳn, vì tôi muốn luôn luôn có nắng thật nhiều vào. Tôi sẽ tự nấu ăn lấy, và về sau, nếu tôi muốn, cưới vợ hay gì ấy, tôi sẽ gặp một cô gái đẹp cũng câm và điếc như tôi, và chúng tôi cưới nhau. Nàng sẽ đến sống trong chòi với tôi, và nếu muốn nói với tôi điều gì, nàng cũng phải viết nó lên một mảnh giấy như mọi người. Nếu chúng tôi có đứa con nào, chúng tôi sẽ giấu một nơi nào đó. Chúng tôi có thể mua cho chúng một lô sách rồi tự dạy chúng đọc và viết lấy.
Trích dẫn sách: Tôi Là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh
[Review] Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer